Trong cuộc sống, nhiều lúc cùng một câu nói, cùng một vấn đề, một hoàn cảnh giống nhau nhưng sẽ có những suy nghĩ, lựa chọn, cách làm và hướng đi khác nhau, đó chính là sự khác nhau ở một niệm của mỗi người mà thôi.
Trong cuộc sống chúng ta sẽ có những lúc đứng trước những lựa chọn lớn của cuộc đời, có người chọn đi tiếp trên con đường đang đi, có người chọn rẽ lối, cũng có người cho rằng lựa chọn này đúng, lựa chọn kia sai…
Tuy nhiên, thực tế lựa chọn như thế nào là do suy nghĩ và quyết định của mỗi người, còn thành công hay không lại không phải do lựa chọn đúng hay sai mà là do bản thân nỗ lực quyết định.
Có một câu chuyện như thế này:
Một ngày kia, có hai người thanh niên ở tại nơi làm việc cảm thấy không hài lòng nên quyết định cùng nhau đến thỉnh giáo lão hòa thượng. Khi gặp được vị hòa thượng, một trong hai người nói:
“Thưa đại sư, chúng con ở phòng làm việc hay bị ức hiếp, quá thống khổ, cầu xin ngài chỉ bảo, chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?”
Lão hòa thượng khẽ nhắm hai mắt lại, giống như đang trầm ngâm, sau một hồi lâu lão hòa thượng mới mở lời, nhưng lại chỉ nói đúng 7 chữ:
“Chẳng qua chỉ là một bát cơm”. Sau đó, vị đại sư liền phất tay, ý bảo hai người rời đi.
Sau khi hai người trở lại công ty, một người lập tức nộp đơn xin nghỉ việc, quyết định trở về quê hương làm ruộng, người còn lại tiếp tục ở lại công ty.
Thoáng một cái đã 10 năm trôi qua, người trở về quê hương làm ruộng luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những bậc tiền nhân đi trước, lấy môi trường thân thiện làm phương thức kinh doanh, kết quả của sự cần cù cố gắng là đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp.
Còn vị ở lại công ty cũng không hề thua kém, anh đã tự mình điều chỉnh cho phù hợp, cũng cố gắng thể hiện năng lực, nên dần dần được coi trọng, hiện giờ đã trở thành nhà giám đốc.
Đến một ngày, hai người gặp lại nhau.
Vị chuyên gia nông nghiệp nói: “Thật là kỳ lạ, đại sư cho chúng ta biết: ‘chẳng qua chỉ là một bát cơm’, bảy chữ này tôi nghe xong liền hiểu ngay, chẳng qua cũng chỉ vì một bát cơm thôi, sao phải miễn cưỡng ở lại công ty mà không rời đi? Cho nên tôi đã xin nghỉ việc ngay.”
Sau đó, anh ta hỏi người giám đốc: “Tại sao khi đó anh lại không nghe theo lời nói của đại sư vậy?”.
Người giám đốc vừa cười vừa nói: “Tôi nghe xong đại sư nói ‘chẳng qua chỉ là một bát cơm’, nên mỗi khi phải chịu nhiều sự khinh bỉ, chịu nhiều rắc rối, tôi chỉ cần nghĩ: ‘Cùng lắm cũng chỉ là để kiếm miếng cơm ăn’, cho nên dù ông chủ nói bất kể điều gì khó chịu, chỉ cần mình bớt hờn giận, bớt so đo là được rồi. Đại sư không phải là có ý này sao?”.
Một ngày khác, họ lại đến thăm lão hòa thượng, lão hòa thượng lúc này đã già lắm rồi. Ông ngồi trước mặt hai người và vẫn từ từ nhắm mắt lại, sau một ngày trôi qua, chỉ nói một câu: “Chẳng qua chỉ là sai khác nhau ở một niệm”, sau đó lại một lần nữa phất phất tay.
Hai người bèn nhìn nhau cười, dường như trong lòng đã hiểu rõ. Trong cuộc sống, có thể cùng một vấn đề, cùng một hoàn cảnh, cùng một câu nói nhưng sẽ có những suy nghĩ, những lựa chọn và hướng đi khác nhau, đó chính là cảnh giới suy nghĩ của mỗi người quyết định.
Cùng một sự việc nhưng nó có thể đúng đắn với người này, là sai trái đối với người kia. Cũng cùng một sự việc có thể là đúng với bạn trong khoảnh khắc này nhưng lại là sai trong khoảnh khắc kế tiếp.
Mọi sự đúng sai đều không phải là đúng sai mà chỉ là quan điểm của một người tùy thuộc vào lập trường, hoàn cảnh của từng người trong từng thời điểm khác nhau.
Nhưng dù có quyết định như thế nào, chúng ta cũng không nên nhìn lại quá khứ mà hãy nhìn về phía trước, bởi không có lựa chọn nào sai, bởi trong cái khó thường hay ló cái khôn, đến cuối đường cụt ắt có lối rẽ ra đường lớn.
Và dù đi bất cứ trên con đường nào thì cũng nhất định đi bằng đôi chân của mình, sống một cách chân thành, thiện lương và luôn nhẫn nại thì nhất định bạn sẽ tìm được hạnh phúc.
Chân Kiến biên tập